Xây dựng Chợ Nhơn Sơn khang trang, sạch đẹp
Chợ là nơi lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, việc đầu tư xây mới, nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn xã Nhơn Sơn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm.
Thực hiện tiêu chí chợ theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chợ Nhơn Sơn được xây dựng với 5,5 tỷ kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa là 250 triệu, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023, các ki-ốt, nhà chính của chợ có mái che lợp tôn, chợ có nhà vệ sinh sạch sẽ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy bảo đảm… giúp cho việc giao thương mua bán của bà con trên địa bàn được thuận lợi, an toàn. Theo các hộ kinh doanh nơi đây cho biết, từ khi chợ Nhơn Sơn được xây dựng, bảo đảm điều kiện kinh doanh ổn định cho bà con thì các hộ tiểu thương đều tập trung buôn bán trong khuôn viên chợ, không còn bị lầy lội, ẩm thấp và mùa mưa, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông như trước nữa. Đây là điều mà những người bán hàng mong mỏi từ rất lâu khi có được gian hàng kiên cố trong chợ, không còn lo hư hỏng hàng hóa.
Từ khi chợ Nhơn Sơn được xây dựng mới một số hạng mục công trình, điều dễ nhận thấy là hầu hết các lối đi trong chợ đều thông thoáng, mặt nền chợ cao ráo được đổ bê tông xi mang sạch sẽ, các quầy sạp, ki-ốt rộng rãi. Từng khu vực kinh doanh trong chợ được sắp xếp khoa học theo các loại mặt hàng, vừa bảo đảm tính mỹ quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, lại vừa thuận tiện để người dân xem và mua sắm. Việc kinh doanh ở đây khá tấp nập, mỗi phiên chợ có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài xã đến trao đổi, mua bán.
Chợ có Ban quản lý chợ, hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ, chỉnh trang, tu bổ cơ sở hạ tầng chợ, đáp ứng các nhu cầu của tiểu thương buôn bán trong chợ. Nhờ có sự quản lý chặt chẽ và thường xuyên của Ban quản lý chợ nên hoạt động kinh doanh, mua bán tại chợ diễn ra rất an toàn, không xảy ra tình trạng mất trộm, mất cắp hay mất trật tự, an toàn xã hội.
Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, thời gian tới cùng với việc áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và tăng cường quản lý thương mại, bảo đảm mục tiêu phục vụ đầy đủ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, văn hóa của dân cư nông thôn. Thúc đẩy phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam./.
Phạm Thị Dung